Cảnh giác bệnh đạo ôn trên lúa đông xuân

Thứ hai - 01/04/2024 20:51
(QNO) - Gần đây, bệnh đạo ôn phát sinh diện rộng và gây hại lúa đông xuân ở nhiều nơi trên địa bàn Quảng Nam. Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân cần tích cực kiểm tra ruộng lúa, chủ động triển khai hiệu quả các biện pháp phòng trừ.
Nông dân thăm đồng để chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa đông xuân. Ảnh: PV

Nông dân thăm đồng để chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa đông xuân. Ảnh: PV

Theo số liệu tổng hợp của Sở NN&PTNT, vụ đông xuân 2023 – 2024 này nông dân trên địa bàn tỉnh gieo sạ 41.696ha lúa, chủ yếu bố trí các loại giống chủ lực như Thiên ưu 8, TBR225, HT1, HN6, ĐT100, Hà Phát 3, VNR20, TBR1…

Trong số diện tích lúa vừa nêu, có 38.561ha chủ động nguồn nước tưới và 3.135ha phụ thuộc nước trời. Hiện nay, toàn tỉnh có 36.263ha lúa đã trổ, trong đó Thăng Bình 8.083ha, Tiên Phước 2.253ha, Điện Bàn 4.849ha, Quế Sơn 3.629ha, Phú Ninh 3.473ha, Hiệp Đức 1.160ha, Nông Sơn 1.006ha, Duy Xuyên 3.480ha, Tam Kỳ 1.109ha, Đại Lộc 4.152ha, Núi Thành 2.800ha, Hội An 270ha.

Đáng chú ý, trong những ngày qua, trên đồng ruộng nổi lên một số đối tượng dịch hại cần quan tâm, trong đó có bệnh đạo ôn lá và cổ lá. Bệnh đang phát sinh diện rộng và gây hại cục bộ ở nhiều nơi.

Theo bà Nguyễn Thị Sương – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam, bệnh đạo ôn lá và cổ lá gây hại trên các giống lúa nhiễm như TBR225, TBR97, VNR20, KD18, 13/2…

Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 95ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá và cổ lá với tỷ lệ bệnh trung bình từ 3 - 5%, nơi cao 15% (Điện Bàn). Trong khi đó, cùng kỳ năm trước Quảng Nam chỉ có 67ha lúa bị nhiễm loại bệnh này.

2.jpg
Cây lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ lá. Ảnh: PV

Trong điều kiện thời tiết hiện nay, khả năng bệnh đạo ôn cổ bông, cổ gié sẽ lây lan và gây hại trên lúa trổ. Để quản lý tốt tình hình bệnh đạo ôn trên cây lúa giai đoạn trổ và bảo vệ an toàn sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024, Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương tập trung theo dõi bệnh đạo ôn trên ruộng lúa, kịp thời triển khai những biện pháp trọng tâm để phòng trừ bệnh hiệu quả.

Theo đó, tăng cường kiểm tra đồng ruộng và tiến hành phun phòng đạo ôn cổ bông trước khi lúa trổ 5 - 7 ngày trên các giống nhiễm như BC15, HT1, TBR225, Thiên ưu 8… bằng các loại thuốc có hoạt chất Isoprothiolane, Tricyclazole (Fuji-One 40 EC, Beam 75 WP, Filia 525 SE,...). Nếu chưa phun thuốc kịp thời ở giai đoạn trước trổ thì phun ở giai đoạn sau trổ từ 5 - 7 ngày. Tốt nhất là phun khi lúa bắt đầu trổ lác đác.

Khi sử dụng thuốc để phòng trừ bệnh đạo ôn, nồng độ và liều lượng phải theo hướng dẫn trên nhãn thuốc; chú ý phun đủ lượng nước thuốc theo khuyến cáo để đạt hiệu quả phòng trừ cao, phun chậm ướt đều mặt lá...

Tác giả bài viết: Nhã Phương

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 17742

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2310268

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15417871