Thêm hướng đi cho nghề nuôi biển ở Quảng Nam

Chủ nhật - 07/04/2024 21:04
Là người đầu tiên trên địa bàn tỉnh nuôi hàu treo dây quy mô lớn, ông Nguyễn Đức Linh (thôn Xuân Mỹ, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam) đang mở thêm hướng đi cho nghề nuôi biển Quảng Nam.
Nuôi hàu treo dây của hộ ông Nguyễn Đức Linh. Ảnh: Q.VIỆT

Nuôi hàu treo dây của hộ ông Nguyễn Đức Linh. Ảnh: Q.VIỆT

Triển vọng nghề mới

Từ năm 2023 đến nay, ông Nguyễn Đức Linh đầu tư 5 bè nuôi hàu treo dây ở vùng biển Cửa Lở (thôn Xuân Mỹ, xã Tam Hải). Mỗi bè có diện tích 2.000m2, ông Linh bố trí nuôi 15.000 dây hàu thương phẩm, mỗi dây 20 con hàu, thu hoạch được tổng cộng 75 tấn. Với giá bán hàu thương phẩm hiện nay trên thị trường 30.000 đồng/kg, ông Linh thu được hơn 2 tỷ đồng, lãi gần 1 tỷ đồng.

Ông Linh kể, khi quyết định đưa nghề nuôi hàu về phát triển tại quê nhà, ông đã mời các chuyên gia, người nuôi hàu có kinh nghiệm ở Quảng Ninh về khảo sát, đánh giá nguồn nước ở vùng Cửa Lở. Kết quả thu được là nguồn nước hoàn toàn phù hợp với đầu tư nuôi hàu quy mô lớn.

Việc đánh bắt thủy hải sản ven bờ ngày càng khó khăn do nguồn lợi tự nhiên đang dần cạn kiệt, chi phí nhiên liệu dầu, nhân công ở mức cao, đầu ra lại bấp bênh.

Tận dụng mặt nước vùng cửa biển để phát triển nuôi hàu đại dương sẽ giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế. Đây cũng là định hướng phát triển bền vững nghề nuôi biển nói riêng, nuôi trồng thủy, hải sản nói chung của Quảng Nam.

Ngoài việc đem lại lợi nhuận kinh tế đối với người nuôi thì có lẽ ít ai biết hàu đại dương có tác dụng lọc nước, cản dòng nước, chống xói mòn đất.

Hàu dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, sống chủ yếu nhờ vào nguồn tảo, phù du tự nhiên nên người nuôi không tốn chi phí thức ăn. Nuôi hàu, ông Linh sử dụng con giống chất lượng được lấy từ các cơ sở sản xuất giống hàu uy tín. Trong quá trình nuôi, ông Linh thường xuyên theo dõi, vệ sinh bè nuôi để hạn chế ốc, các sinh vật, đất bùn bám vào làm hàu chậm phát triển.

Theo ông Linh, phải nắm được tập tính sinh trưởng theo mùa của hàu và phải thường xuyên kiểm tra độ mặn của nước để hàu sinh trưởng, phát triển tốt.

“Để nuôi hàu đạt sản lượng, năng suất lớn, ngoài con giống chất lượng, kiểm tra, xử lý môi trường nước rất quan trọng. Nước mặn quá hay thiếu mặn đều không phù hợp với hàu nên có thể kéo bè nuôi hàu từ biển vào vùng cửa sông và ngược lại để hàu thuận lợi phát triển” - ông Linh nói.

Ông Nguyễn Đức Linh cho biết, nuôi hàu treo dây bước đầu tận dụng, phát huy được tiềm năng, lợi thế nuôi biển ở vùng Cửa Lở. Để tránh những yếu tố bất lợi của thiên tai, bão lũ, ông tính toán kỹ phương án sẵn sàng di dời bè nuôi hàu.

Để tiện di dời bè nuôi, ông làm bè bằng tre, nổi trên những thùng xốp, chằng buộc hàu bằng dây cước, cắt cử người trực 24/24 để trông nom, theo dõi độ mặn của nước và xử lý kịp thời tình huống đột xuất.

Hướng đến xuất khẩu

Những ngày này, ông Nguyễn Đức Linh luôn gửi các mẫu hàu sau thu hoạch đến các tỉnh, thành phía bắc để chào mời thêm các đơn hàu thương phẩm. Ông Linh nói, trước mắt bán hàu để người mua chế biến xuất khẩu. Về lâu dài, ông Linh sẽ đầu tư nhà máy chế biến hàu để xuất khẩu tăng lợi nhuận.

hau-2.jpg
Nuôi hàu đại dương là hướng đi mới của nghề nuôi biển bền vững Quảng Nam. Ảnh: Q.VIỆT

“Hàu tôi nuôi là hàu đại dương, không phải loại hàu sữa thông thường nên to hơn, dai và cũng ngọt hơn. Bước đầu khảo sát thấy người tiêu dùng rất ưa chuộng loại hàu đại dương này” - ông Linh nói.

Để cụ thể hóa kỳ vọng chế biến hàu thương phẩm để xuất khẩu, ông Nguyễn Đức Linh đã thành lập Hợp tác xã Thủy sản Việt Linh (thôn Xuân Mỹ, xã Tam Hải).

Ông Linh đang làm hồ sơ đề xuất với các cơ quan, địa phương để thuê mặt nước biển đầu tư nuôi hàu quy mô lớn, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới. Tiếp đến là vận động người dân, các tổ hợp tác phối hợp với hợp tác xã để nuôi hàu theo chuỗi giá trị.

Ông Linh cung cấp giống chất lượng, quy trình kỹ thuật bài bản để người dân nuôi hàu đại dương thành công rồi thu mua lượng lớn để chế biến xuất khẩu.

Ông Nguyễn Đức Linh tiếp tục kết nối cung cầu, giao thương trong, ngoài nước để có phương án và ký kết hợp đồng xuất khẩu hàu sau chế biến sạch. “Tôi tin người dân sẽ hưởng ứng mô hình nuôi hàu thương phẩm theo chuỗi khép kín, giải quyết việc làm, tăng thu nhập” - ông Linh nói.

Tác giả bài viết: Nguyễn Quang

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Gameshow Quê mình xứ Quảng - Số 02 năm 2023 (Phường Thanh Hà, TP Hội An)

Đang truy cậpĐang truy cập : 0


Hôm nayHôm nay : 17742

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2310466

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 15418069